14/5/13

Chị viết về Mẹ

Viết cho Tháng Năm - Ngày của Mẹ Vậy là đã bốn mươi chín mùa xuân Mẹ đã đi qua. Ngày của Mẹ, ngày mà mọi người hay thổi nến trên bánh ga tô chị em con mới chuẩn bị cho Mẹ duy nhất được một lần. Thời gian trôi đi nhanh quá phải không Mẹ? Con đã từng nghĩ rằng mình hiểu Mẹ, không hết nhưng đủ để biết rằng, thấy rằng Mẹ khuyết điểm này, Mẹ thiếu điểm kia. Mẹ cần thay đổi thế này, thế khác. Nhưng không phải. Con nhận ra mình không phải và chưa hề hiểu được hết Mẹ suy nghĩ gì, Mẹ mong muốn gì, hiểu về cuộc sống gia đình, về cuộc đời của người phụ nữ làm vợ, làm dâu và sẽ làm Mẹ nữa. Con chỉ biết được những điều ấy khi đã rời vòng tay Mẹ, khi đã về nhà “người khác” , sống một cuộc đời khác. Ngày con xuất giá theo chồng là một ngày mưa phùn ẩm ướt. Dù chưa phải là ngày chính thức mặc váy cô dâu nhưng cơn mưa ấy vẫn làm con đường quê trơn lầy lội đất đỏ bám vào tà áo dài trong ngày con vu quy. Nước mắt Mẹ lăn dài khi cầm đôi bàn tay sẽ nắm tay con gái Mẹ đi suốt chặng đường còn lại của cuộc đời. Mẹ khóc khi dáng con khuất dần trong làn mưa xuân ấy. Từ nay không còn là nỗi lo trước những ngả đường mà con chưa biết về đâu nữa. Mà là nỗi lo khác, nỗi lo về cuộc đời người đàn bà có thể sẽ-giống -như-Mẹ. Bắt đầu vào cuộc sống ở “nhà người” con đã nghĩ về Mẹ nhiều hơn. Những ngày đầu tiên “thấy tháng” con đau bụng dữ dội, đau không chịu nổi, chưa bao giờ con lại đau trong những ngày này nhiều đến như thế, đến nỗi phát khóc. Và lúc ấy hình ảnh Mẹ Chồng vội vàng đi mua thuốc, bê bát bún ngan nóng bỏng vừa mới nấu vào tận giường để con ăn rồi mới được uống thuốc làm con nhớ Mẹ, nhớ hình ảnh của Mẹ cách đây hai năm khi chăm con cả một thời gian dài trong bệnh viện và những ngày sau đó. Con đã kiềm chế để nước mắt không rơi vì nghẹn ngào xúc động, vì cứ nghĩ chăm sóc con như thế này phải là Mẹ đẻ của con cơ. Con đã ăn hết bán bún ngan ấy dù trong bụng không hề đói. Và thấy con nằm yên trong chăn không còn nhăn nhó nữa Mẹ Chồng mới yên tâm để ngồi xem tiếp tivi Ngày ấy cách đây hơn hai năm, trong những ngày dài chăm con ở viện. Đã có lúc vì đau đớn mà con đã cáu gắt, đã không phải với Mẹ. Nghĩ lại con giận mình nhiều lắm vì không hiểu sao lúc đó con lại có thể nghĩ ở lại dưới này có “người khác” chăm thì tốt hơn về trên nhà với Mẹ và cũng sẽ thuận tiện cho công việc. Con thật tệ quá phải không? Những ngày cuối thu đầu đông ở hành lang của XanhPon năm ấy, hình bóng Mẹ ngồi lặng lẽ một mình dưới khuôn viên bệnh viện, dáng người mệt mỏi và ánh mắt nhìn xa xăm đã khắc sâu trong tâm trí con. Mẹ đã đi qua hết con phố này, con đường khác để tìm được hàng phở mà con ăn “vừa miệng” vì nếu không mỗi sáng thứ duy nhất mà con ăn được chỉ là mì tôm. Mẹ nhớ những đồ ăn vặt linh tinh mà con thích: lạc luộc, sắn, ngô, khoai…và mấy thứ quả chua nữa. Mỗi hôm một loại, chả thiếu gì để con rí rách cả. Con vẫn nhớ như in ngày mà Bố Mẹ quyết định chuyển viện để phẫu thuật cho con. Ánh mắt Bố cũng chứa đầy mệt mỏi, lo âu và có cả bực dọc trong đó. Có lẽ lúc ấy Bố cảm thấy thất vọng. Tại sao mà Bố và con của Bố lại phải vất vả như thế này. Còn Mẹ chỉ biết khóc. Ngày con phẫu thuật trong lúc chờ Mẹ và em từ căng tin trở về thì Bố là người đưa con vào khu mổ của Việt Đức lúc ấy vì chỉ có duy nhất một người nhà được đưa vào. Khi chiếc xe của y tá đưa con đi và cánh cửa của khu mổ khép lại, con chỉ kịp thoáng thấy hình ảnh của Bố Mẹ và em cứ xa dần, xa dần. Ca phẫu thuật gần bốn giờ đồng hồ ấy kết thúc, con chỉ nghe được tiếng của đầy đủ mọi người vì mắt vẫn nhắm nghiền và sau đó là giấc ngủ dài bởi vẫn còn tác dụng của thuốc gây mê. Sang ngày thứ hai sau khi mổ con bị trướng bụng vì dạ dày, vì thuốc mê. Đau đớn tột cùng, đau hơn cả vết mổ khi đã hết thuốc gây mê. Cả nhà đều lo lắng. Mẹ khóc, em khóc. Thế là cả đêm hôm ấy sau khi di chuyển từ khu này sang khu khác để khám, để chiếu chụp Mẹ và em thay nhau thức cả đêm để xoa bụng, xoa tay và dỗ dành con cùng với y tá cứ 5 phút lại vào bơm dịch từ dạ dày qua đường thông ở mũi ra một lần. Con cả đêm phải há miệng ra để thở, bụng thì đau còn Mẹ chỉ lặng lẽ khóc. Đó là những tháng ngày thật khó quên phải không Mẹ? Bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn đều được gáng gồng trên vai Mẹ. Năm tháng cuộc đời với biết bao giông tố đã đi qua… Ngày xưa khi còn bé con hay thắc mắc lắm. Rằng tại sao mỗi lần Bố công tác về Mẹ lại khóc, và lần nào khi Bố đi gối của Mẹ cũng thấm đầy nước mắt. Cái ngày xưa với tuổi thơ trong vắt của chị em con thì ngắn ngủi mà thời gian đối với Mẹ nặng tựa ngàn năm. Hơn ba mươi năm cuộc sống vẫn thế, vòng quay ấy cứ lặp đi, lặp lại. Mẹ vẫn một mình với việc chăm sóc chúng con. Với việc phải làm Cha thay Bố vì Bố vắng nhà thường xuyên. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời chúng con là khi thơ bé với những lần Bố công tác trở về. Cả nhà quây quần, ríu rít. Nhưng đêm mùa hè đầy sao, ba Bố con nằm trò chuyện ở giữa sân đợi Mẹ làm hàng xong mới đi ngủ. Mỗi đứa gối đầu một bên tay Bố và chỉ lên trời thắc mắc là mây đi hay trăng đi. Những đêm trăng sáng ít ỏi ấy chưa bao giờ bị bào mòn trong ký ức con, những lá thư Bố gửi về từ nơi xa mà lần nào bỏ ra đọc Mẹ cũng khóc, bài thơ mà Mẹ đã viết cho con để gửi thư cho Bố, những ngày trời mưa nghỉ chợ ở nhà, ba Mẹ con nằm nói chuyện về Bố. Hai chị em cứ ấm ức và khóc nhè vì Mẹ lại trêu: “Trang là con ông đổi chum, Nhung là con ông đổi bát”. Tất cả những ký ức đó cùng hình ảnh Bố khoác ba lo màu xanh bộ đội với áo sơ mi xanh da trời, chiếc quần Jean bạc phếch, miệng cười thật tươi và hai tay dang rộng khi hai chị em con lon ton ra cổng đón Bố là những hình ảnh ngọt ngào nhất mà chưa một phút giây nào phai mờ trong tâm trí con. Những làn điệu dân ca, những bài hát ru ầu ơ bên cánh võng của bà nội, của Mẹ và con ra đã ru em ngủ bao nhiêu năm sau đó để cho đến tận bây giờ vẫn thuộc nằm lòng trong con và mai này con sẽ ầu ơ con của mình, đứa cháu ngoại đầu tiên của Mẹ. Con đã đi qua 28 mùa xuân và giờ đã là người phụ nữ có gia đình, đã sống một cuộc đời khác, lại đang chuẩn làm Mẹ, hơn lúc nào hết giờ đây con mới hiểu được những gì mà Mẹ phải đối mặt, phải trải qua và đang sống cùng những điều ấy. Con tự hào vì được là con của Mẹ, tự hào vì được Bố Mẹ sinh ra trên miền quê ấy. Một miền quê bình dị và luôn đẹp đến nào lòng. Miền đất đỏ trung du với những làn điệu dân ca ngọt ngào, trong trẻo và thân thương. Những bài thơ, những ca khúc về quê hương đất nước đã thuộc làu từ khi còn bé thơ sẽ là chút ít “vốn liếng” để sau này con sẽ “bồi bổ” tinh thần cho con của con, giống như ngày xưa Bố Mẹ đã hát, đã đọc và đã kể cho chúng con nghe vậy. Mẹ! Con thấy mình thật có lỗi vì chưa mang lại được niềm vui nào cho Mẹ, chỉ cho Mẹ thấy những muộn phiền, mệt mỏi. Đến niềm hạnh phúc là được gả con theo chồng mà Mẹ cũng phải rất vất vả và không dưới một lần nước mắt tuôn rơi. Giờ đây sống cuộc sống ở nhà chồng, nhận được sự chăm sóc, thương yêu của Bố Mẹ “người ta” con mới hiểu thêm, mới thấm thía những gì mà trước đây Mẹ thiệt thòi không có được, những nỗi vất vả mà Mẹ phải chịu. Thương Mẹ nhiều nhưng con chưa thể làm được gì khiến Mẹ vui lúc này. Ngay cả những điều nhỏ nhoi biết là cần thiết cho Mẹ con cũng chưa làm được. Con thật tệ phải không Mẹ? Con tệ quá phải không? Có thể con không được xinh đẹp và tài năng giống như cô Huyền Trang trong phần “Trả lại tên cho em” của “Biệt Động Sài Gòn” năm ấy mà Bố Mẹ đã rất thích và đặt tên con cũng với mong muốn đứa con gái bé đầu tiên của mình sẽ xinh đẹp như thế. Nhưng con sẽ cố gắng để có một cuộc sống tốt, để Mẹ không phải buồn rầu, không phải khóc vì thương con, vì lo lắng cho con. Mẹ là người phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi trong tình cảm, cả về tình cảm gia đình trước đây và tình cảm vợ chồng sau này. Nhưng Mẹ hãy vui, hãy yên tâm vì dù có thế nào, có bất kỳ chuyện gì thì Mẹ luôn có chúng con ở bên cạnh. Chị em con sẽ cố gắng sống tốt, tốt cho bản thân mình và cho Mẹ nữa, để thấy rằng tất cả những thiệt thòi, những hi sinh của Mẹ sẽ được đền đáp xứng đáng. Vì thế Mẹ hãy vì chúng con mà luôn vui khoẻ. Chỉ cần Mẹ mạnh khoẻ, sống lâu để chị em con luôn có Mẹ bên đời thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Và chúng con chỉ cần như vậy thôi. Như vậy là đủ rồi nghe Mẹ. Thời gian trôi đi thật nhanh. Mùa xuân thứ 49 của Mẹ con chưa kịp về để nói lời chúc mừng sinh nhật Mẹ. Chúc Mẹ sang tuổi mới sẽ có nhiều niềm vui hơn. Tất cả mọi buồn lo sẽ lặn vào trong đáy mắt. Để có thể sống những ngày an nhàn, thảnh thơi. Để chờ đón ngày được bồng cháu ngoại đầu tiên của Mẹ trên tay. Niềm hạnh phúc mà bất kỳ người Mẹ nào, người bà nào cũng ngóng đợi. Đi qua bao nhiêu miền quê trên dải đất hình chữ S này mà con không thấy nơi nào đẹp và bình yên như quê mình cả. Thật dễ hiểu phải không Mẹ. “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi” Bởi nơi ấy lúc nào cũng có Mẹ đợi chúng con trở về. Con sẽ về thăm Mẹ một ngày không xa nữa. Mẹ nhé. P/s: Chúc mừng sinh nhật Mẹ kính yêu. Đây là loài hoa và màu hoa mà Mẹ rất thích. Màu tím thuỷ chung như chính cuộc đời của Mẹ... Yêu Mẹ thật nhiều!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét