28/4/10

Chợ cóc


Ảnh: Từ Internet
1.
Phố phường Hà Nội có nhiều chợ cóc. Chợ nhỏ nên kẻ bán người mua ko nhiều. Các bà các cô đi thể dục buổi sáng ghé vào chợ mua đồ ăn cho gia đình. Đi chợ bây giờ tiện lắm! Ko kể đồ ăn chín bán sẵn thì khi mua thực phẩm tươi cũng được sơ chế đâu ra đấy, về nhà chỉ việc chế biến và bày biện. Mua xương được chặt, mua thịt được thái, xay, mua cá được chặt vây, moi mang đánh vẩy, tôm to tôm bé đều cắt râu bỏ đầu sạch sẽ. Rau xanh thì các chị nhặt rau nhặt giúp, nạo vỏ đến cà muối cũng cắt núm. Nói chung là đi chợ bây giờ việc mua bán rất nhanh. Thực phẩm nhìn chung tươi ngon cả.
2.
Các chị hàng thịt, hàng trứng, hàng cá, hàng rau đều thân quen khách hàng, tất nhiên là những người thường xuyên đi chợ. Họ nói cười, hỏi han nhau. Nhà chị hôm nay ăn món gì? Hôm qua em đi đâu mà ko thấy bán hàng thế? Em về quê ăn hội. Hội làng em làm to lắm. Có chị ghé qua các hàng cần mua dặn lại người bán: mình lấy những gì, sơ chế thế nào rồi lát quay lại lấy. Những người bán hàng quen tay nên làm việc nhanh nhẹn, phục vụ hết lượt các khách. Đến gần trưa mà chị nào còn ế hàng thì mời khách mua thêm, nhiều hơn mọi ngày. Khách quen thì vui vẻ nhận lời ngay, thông cảm và cùng chia sẻ với người bán.
3.
Những mặt hàng của chợ cóc cũng đủ sắc màu. Tươi hồng của thịt, trăng trắng của trứng, đỏ ối của cà chua, vàng của bưởi, da cam của dứa... Chỉ cần dạo qua chợ một lát là có thể mua đầy đủ đồ ăn cần thiết cho gia đình nhà mình. Các chị bán hàng bây giờ ít cãi lộn nhau hơn và nếu có thì cũng bớt phần ngoa ngoắt hơn. Bởi mỗi chị mỗi chỗ. Khách vào hàng nào hàng ấy bán. Khách quen thì ko tranh giành. Thậm chí các chị còn thân nhau. Nhưng hình như đấy là các chị bán những loại hàng khác nhau. Chị hàng bún ngồi gần hàng đậu. Chị hàng bánh ngồi gần hàng cam. Họ ăn quà và mua hàng trao đổi cho nhau, kể với nhau nhiều chuyện: con cái học hành thi cử, chuyện đi lấy hàng...
4.
Đi chợ cóc vui hơn chợ lớn ở chỗ người bán nhớ mặt khách hàng, có khi còn nhớ thói quen, sở thích, trao đổi với nhau dăm câu ba điều xong về. Chợ ngày nào cũng họp. Các chị ngày nào cũng gặp nhau để bán để mua những đồ ăn tươi về cho gia đình. Chợ cóc là chợ thân thuộc.

27/4/10

Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace)

1.
Tôi biết đến Trung tâm Văn hóa Pháp lần đầu tiên với ý nghĩa: đây là nơi giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, dân tộc. Tòa nhà nhỏ xinh nằm trên 24 Tràng tiền. Cổng vào có treo những poster lớn về những sự kiện văn hóa. Khách đến gửi và lấy xe ra về đều rất trật tự, quy củ. Góc bên phải cửa vào là bàn lễ tân với rất nhiều tờ thông tin về các sự kiện sắp diễn ra, bao gồm: chiếu phim đặc sắc, giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng... Dù mới chỉ đến tham dự ba lần, nhưng tôi quan sát khán giả trong buổi chiếu ấy 70% là những người trẻ. Họ lặng lẽ với những đoạn phim xúc động và cùng nhau cười lớn với những đoạn phim hài.
2.
Đó là những phim về đề tài gia đình, bạn bè, nghề nghiệp cuộc sống... Từ lời ăn tiếng nói đối đáp và những hành động của nhân vật trong phim đều toát lên một phong cách sống, một nét văn hóa ứng xử riêng của quốc gia, dân tộc. Phim Chuyện tình người DuBlin gây cho tôi nhiều xúc động. Trong phim là bữa tiệc giữa những người thân quen, bạn bè, gia đình. Ở đó họ giao tiếp, ứng xử với nhau thật tinh tế. Một cô gái nặng tình cảm trong tình yêu đã làm xúc động nhiều người. Tôi nhận thấy ko chỉ tôi, bạn trẻ Việt Nam mà những người bạn Pháp đã cảm động trước cảnh phim đó.
3.
Lần khác tôi lại tới đây xem những bộ phim ngắn đoạt giải. Người trình chiếu đã đan xen các phim Pháp, Việt theo lớp thứ tự. Cách này khiến cho người xem liên tưởng, đối chiếu nét văn hóa của con người ở hai lãnh thổ khác nhau. Việt Nam có 3 phim ngắn: Tuổi thơ đã mất, Cuốc xe đêm (Bùi Thạc Chuyên) và một phim nữa tôi ko nhớ tiêu đề. Vẫn là cuộc sống trần trụi hiện lên với chủ bạc bẽo với tớ, vòng tù tội và mảnh vỡ tâm hồn. Là những phim ngắn, nội dung ý nghĩa cô đúc trong từng hình ảnh, lời nói nên người xem phải tập trung dồn tất cả chú ý của bản thân vào đó. Rồi tôi lại thấy những giọt nước mắt rơi. Mọi người trong khán phòng ko chỉ thương mà còn như đang thực sự sống cùng nhân vật, cùng đau nỗi đau cuộc đời như thế!
4.
Khi xuống tầng lấy những tờ thông tin, tôi còn biết sẽ có buổi giao lưu với nghệ sĩ chơi đàn nổi tiếng người nước ngoài. Chương trình bắt đầu từ 17h - 19h và vào cửa tự do. Tiếp nữa là phim Trăng nơi đáy giếng đã chiếu rồi. Tôi tiếc ngẩn người vì mình đã đọc truyện rồi thì phải xem phim xem nó ra sao chứ! Những buổi chiếu phim giá vé chỉ có năm ngàn đồng - tiền tiêu vặt của sinh viên cũng hết. Vậy mà sao tôi ko thấy các bạn ấy ở những buổi như thế này? Các bạn ấy bận học ư? Ko hẳn thế... mà có nhiều lý do khác nữa thì phải? Tôi nghĩ, sao các đoàn trường ko phổ biến rộng rãi hoạt động này đến sinh viên? Nếu có thể hãy tạo điều kiện phần nào cho họ. Được tham gia những buổi thế này, tôi tin họ sẽ có được nhiều thứ.

26/4/10

Ô tô và người đi bộ


Ảnh: Từ Internet
1.
Trên những cung đường lớn của thành phố, người tham gia giao thông có thể thấy ô tô với đủ màu đủ loại, từ cái to kềnh càng như xe buýt đến cái nhỏ nhỏ như matiz, từ màu đen, màu bạc tới màu đỏ màu xanh. Người lái xe phải làm chủ hướng đi và tốc độ để đi đúng làn đường, nhường và tránh các phương tiện khác khi cần thiết. Tại các ngã tư giao cắt, trước đây có tín hiệu đèn giao thông dành cho người đi bộ. Hiện tại các ngã tư đều bị chặn lại. Người ta thiết kế cột bấm đèn xin qua đường cho người đi bộ. Thời gian đầu, đèn hoạt động tốt song người đi bộ vẫn phải để ý khi băng qua đường bởi có một số phương tiện ko chịu dừng lại. Đã thành hình ảnh quen thuộc: đèn cứ sáng, người đi bộ sang, còn một số phương tiện cứ lướt cứ chạy. Nhưng hình như đó chỉ là một vài người đi xe máy. Họ cứ phóng cứ lượn. Dừng lại trước vạch trắng bao giờ cũng là những chiếc ô tô, từ taxi, xe hơi đến xe buýt, và phần xe máy còn lại.

2.
Từ ngày đèn hỏng, ko có tín hiệu báo dừng nên dòng xe cứ chạy, người đi bộ vẫn phải sang. Nhiều người mới ở nông thôn ra ko dám sang đường vì xe đông như mắc cửi. Những người đã đi quen thì lựa chiều xe đi và tốc độ xe đến để băng sang. Có một điều ko thay đổi so với lúc còn đèn giao thông: ô tô vẫn là phương tiện đi đầu trong việc nhường người đi bộ. Khi quan sát thấy có người đi phía trước, họ chậm lại và có ý chờ cho người đi qua rồi mới tiến lên. Chính hành động này là biểu hiện một nét văn hóa, văn minh, chứng tỏ người lái ko chỉ hiểu luật mà còn thể hiện tinh thần vì cộng đồng cao đẹp.
3.
Ngày càng có nhiều phương tiện tham gia giao thông trên đường từ ô tô đến xe máy. Nếu người lái cẩn thận quan sát, có ý thức nhường đường cho các phương tiện khác khi cần thiết thì tai nạn sẽ giảm đi được nhiều phần. Đặc biệt là cần nhường đường cho người đi bộ vì họ chỉ băng qua giây lát, sau đó người lái lại tiếp tục lộ trình của mình. Người đi bộ cũng ko nên sang đường tùy tiện và luôn đi đúng phần đường. Có như vậy, bộ mặt giao thông đường phố mới luôn quy củ, và cho dù tai nạn xảy ra thì người đi bộ vẫn được pháp luật bảo vệ

24/4/10

Xe đạp ở thành phố


Những người đi xe đạp ở thành phố chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp. Tham gia giao thông, xe đạp có lộ trình riêng phân biệt với làn đường của các phương tiện khác. Nhưng một hình ảnh phổ biến mọi người thường thấy là xe đạp đi chen lấn vào các phần đường khác làm cho giao thông đô thị vốn phức tạp lại thêm phần lộn xộn. Vì sao lại có hiện tượng này? Một số người được hỏi cho rằng: phần đường dành cho xe đạp nhỏ hẹp, gồ ghề lại ko thông thoáng do người đi bộ tràn xuống lòng đường. Hỏi vì sao người đi bộ ko đi trên vỉa hè thì nhận được câu trả lời: vỉa hè ko còn chỗ. Người ta chiếm vỉa hè làm chỗ để xe cho khách vào mua hàng. Vào lúc đông khách, cửa hàng ko còn chỗ để xe, khách bèn chiếm luôn cả lòng đường làm chỗ để xe. Tại một số tuyến phố, người ta bày mặt hàng bán trên vỉa hè, người bán bánh mì, người bán hoa tới người sửa chữa, lau rửa máy điều hòa... Xe đạp đi ở phần đường của mình thường bị ngăn cản bởi người đi bộ, xe chở hàng hóa vì thế tốc độ chậm đi rất nhiều lại thêm cái bực mình vì phải hò hét người khác tránh đường. Xe đạp đi sai phần đường lỡ có va chạm xảy ra thì người đó phải tự chịu trách nhiệm. Thêm nữa nhiều người đi xe đạp cố chen lấn, cố vượt ở những ngã tư làm cho tắc đường càng thêm trầm trọng. Khi xe đạp tham gia đúng phần đường của mình sẽ góp phần làm cho giao thông trật tự, quy củ hơn, giảm số vụ tai nạn va quệt tạo ra ko gian thông thoáng cho đường phố. Mặc dù xe đạp ko phải là phương tiện đông đảo nhất của giao thông thành phố và là phương tiện thô sơ tuy nhiên người điều khiển vẫn cần chấp hành đúng luật nhằm tạo ra nếp sống văn minh, văn hóa trong giao thông.
Ảnh: Từ Internet

23/4/10

Hội làng


Nhân ngày nghỉ cuối tuần, mình sang thăm người nhà bên Gia Lâm. Hội bắt đầu từ chiều thứ năm và cả ngày hôm nay, ngày thứ sáu. Một điều khác lạ mình nhận thấy là, so với quê mình, ở đây họ "ăn" mùng 10-3 to thật. Đây vốn là ngày Giỗ tổ hàng năm vốn được tổ chức tại Đền Hùng. Thế mà nơi này nhà nào cũng nghỉ ngơi, ăn hội như ăn tết. Nhà Dì mình năm nào cũng làm thịt chó, mời anh anh em bạn bè đến đông đủ. Buổi tối ngày thứ năm, mọi người kéo nhau ra đình xem văn nghệ. Chương trình do những người trong thôn biểu diễn nhưng được đầu tư khá kỹ lưỡng. Có rất nhiều gia đình ủng hộ đội văn nghệ. Mình ngạc nhiên vì điều đó. Năm ngoái là buổi diễn Truyện Kiều. Lần đầu tiên mình được xem Truyện Kiều được tái hiện bằng nhân vật người thật. Sáng nay làng rước sắc phong. Đoàn rước đủ các lứa tuổi, cụ ông, cụ bà, trung niên, thanh thiếu niên với đủ các kiểu dáng và màu sắc của trang phục mà mình ko hiểu tường tận về nó. Có đủ lọng, kiệu, sinh tiền, kèn trống. Dịp này cũng là để khai trương miếu thờ thành hoàng làng. Dân làng kéo nhau đi xem đông đảo dường như mọi người đều ủng hộ và rất hứng thú với lễ hội này. Nhà cửa san sát, tiếng nhạc karaoke ở các nhà vẫn vang lên. Đường làng đổ bê tông rộng và sạch và mọi người bảo thôn này đông dân lắm. Tham dự những hoạt động này mà mình ko có nhiều cảm xúc. Chỉ nhận thấy rằng, nơi này mọi người rất hưởng ứng hội.
Ảnh: từ Internet

21/4/10

Chị của em


Chị của em thường đưa em đi ăn những món lạ và ngon, đưa em đến những cửa hàng có nhiều đồ đẹp, mua cho em những món quà xinh nhất. Ngày xưa em còn nhớ, em sang thăm chị vào một ngày nắng đẹp. Hôm đó kí túc xá của chị như một cánh rừng hoa với nhiều màu sắc của những chiếc vỏ chăn, gối được giặt giũ và phơi thơm tho ngoài nắng. Bước vào phòng chị, chị bảo lên giường tầng của chị nằm nghỉ đi, chị đi mua đồ ăn trưa về cho. Em lên định nghiêng mình xuống gối, em giật mình, thảng thốt. Chiếc gối của chị hoen ố, loang nổ màu vàng, những vành nâu vàng đậm trên chiếc gối lẽ ra phải trắng tinh như vốn một cái lõi gối phải thế. Cái gì làm cho chiếc gối chuyển màu? Đó là chất mặn - nước mắt của chị em tuôn rơi những đêm dài thức trắng. Em biết thế. Em đau nhói trong lòng. Em đã ở đâu trong những ngày chị buồn, chị gặp khó khăn phải vượt qua? E đã ko chia sẻ được nhiều cho chị. Em biết thế. Chị hơn em hai tuổi mà em ngỡ mình bé bỏng lắm trong sự chỉ bảo che chở của chị. Những tháng ngày sống gia nhà, chị ở cận kề bên em, lo cho em như cha mẹ, chị còn là một người bạn - người bạn mà em có thể được chia sẻ được khuyên lơn. Em đã khóc cho những ngày tháng buồn của chị, cho những đêm chị thức trắng, cho những nỗi đau mà em đã ko tận sẻ chia cùng chị đến nơi, vốn như một đứa em gái phải làm thế.
Ngày chị em mình về ở cùng nhau, hình ảnh chị mướt mải và túi hồ sơ xin việc cầm trên tay đã khắc ghi trong em mãi mãi. Vì nhiều lẽ mà chị của em ko thể bước vào giảng đường Đại học. Chị học trung cấp rồi tiếp tục theo lên Cao Đẳng. Cùng với thời gian đó là những ngày đi làm thêm chăm chỉ của chị. Chị kể cho em chị đã đi bộ những con phố những đoạn đường ra sao để đi xin việc. Lúc đó xe bus là phương tiện duy nhất chị đi mỗi ngày. Nắng hè bỏng rát, chị miệt mài đi rồi công việc cũng đến. Vào chỗ làm mới là những thử thách mới, chị của em lại nỗ lực, lại chiến đấu để vượt qua.
Chị của em hay nghe nhạc buồn, list nhạc trong điện thoại chị toàn bài hát buồn. Tình yêu của chị mong manh rồi tan biến để lại vết thương sâu trong lòng chị. Em thương chị ngày ngày bóng lẻ đi làm, mệt nhọc rồi có những khi vui buồn một mình. Em ước có một chàng hoàng tử xuất hiện mang những nỗi buồn lo âu sầu của chị em đi.
Chị của em nóng tính lắm, dễ cáu với em, em làm chưa tốt là nói em ngay. Mà em thì bướng lắm, hay nói lại chị, không chịu lặng yên mà lắng nghe mà sửa chữa mà hoàn thiện. Làm em thì phải biết nghe lời chị chứ, cứ nói cố, nói ngang với chị dù đã sai rồi. Phải có trật tự chị em trên dưới chứ! Vậy thôi nhưng chị của em lại quên ngay, chẳng giận em lâu bao giờ. Em ko ngoan chị nhỉ. Em gái gì mà lại như thế! Ngại ngùng sau mỗi lần làm chị giận như thế nên rất ít khi nói lời xin lỗi, chỉ lặng lẽ đi chợ, nấu ăn, dọn nhà cửa, giặt đồ sạch sẽ chờ chị đi làm về ăn cơm. Em tin chị biết em gái của mình đang nhận lỗi dù ko nói ra bằng lời. Chị em lại cười vui, lại đưa em đi chơi... Em có chị trên đời là một điều tuyệt diệu, chị yêu ạ!!!

Trần Lê Quỳnh


Tình cờ nghe bài Chân tình chợt nhớ ra còn hai bài Tuyết rơi mùa hè và Cô gái đến từ hôm qua cùng một tác giả Trần Lê Quỳnh. Cả ba bài đều nhẹ nhàng. Lúc nào mệt mở lên nghe thấy đỡ căng thẳng hơn. Từ nay mình sẽ thêm vào danh sách nghe nhé!
Ảnh: từ Internet

12/4/10

Thần tượng


Ê, Xi - ta, tao dán mấy cái ảnh vào chỗ này nhé!
Uh, chỗ đó được đấy. Dán cho tao nhé!
Èm, để tao xem dán cái màu nào thì dán ở giữa, cái nào thì ở hai bên, phải trông cho thật ấn tượng mới được.
Người được bạn dán tặng ảnh kia là cô bạn tôi. Tuổi thần tiên của chúng tôi ngày đó là thần tượng một nhân vật nào đó và đọc báo HHT. Bạn thần tượng một cô ca sĩ xinh đẹp và phong cách rất tự tin. Bạn mua tất cả những VCV, DVD mới của cô ấy. Tất nhiên, là bạn ấy chỉ có thể mua những đĩa "lậu" chỉ với giá năm ngàn đồng. Lúc buồn hay mệt mỏi của cuộc sống xa nhà, bạn thường mở ra xem, có tôi thì rủ xem hoặc không thì xem một mình. Đám bạn thân biết sở thích của bạn nên ngày sinh nhật bạn họ mua tặng CD mới, poster mới lại còn tự tay dán giùm nữa làm bạn tôi vui lắm.
Lúc đó tôi không biết bạn đã cảm nhận được những gì ở ca từ của những bài hát, nhưng tôi biết chắc một điều: bạn hăng say học tập, yêu cuộc sống, thân thiện và vị tha với mọi người nhiều hơn. Bạn quan tâm và "chinh phục" được cả những người chảnh nhất. Nhờ bạn mà những đó mở lòng hơn, chia sẻ nhiều hơn qua những trang lưu bút trải lòng của tập thể. Bạn luôn có ý tưởng mới cho việc tổ chức sinh nhật cho mọi người. Bạn có những "khẩu hiệu" dán lên tường cho mục tiêu trước mắt cần đạt được. Đôi khi mục tiêu ấy xuất phát từ ý tưởng của một bài hát, cần vượt lên, chiến thắng và đó là mục tiêu đỗ đại học. Bạn đã cố gắng bằng cả một quá trình miệt mài, hăng say và sự cố gắng ấy được đền đáp.
Bạn của tôi, thời học trò của chúng ta đã trôi qua và còn nhiều kỷ niệm về bạn mà tôi nhớ lắm! Cô bạn hát ko hay nhưng thần tượng hết mình với một cô ca sĩ, lấy xúc cảm từ những bài hát làm niềm vui, yêu đời, yêu thương mọi người; lấy giai điệu âm nhạc làm bạn chia sẻ những khi lòng buồn. Có thể tôi chưa nhớ hết tất cả những gì bạn đã làm, đã sống trong những ngày đó nhưng tôi nhớ về bạn là một người biết thần tượng ý nghĩa nhất, tốt đẹp nhất. Tôi chưa thật sự thần tượng nhân vật nào bằng những hành động như bạn, nhưng mỗi người tôi quen, có điều gì ở họ tương đồng hoặc vượt trội, hơn hẳn khả năng của tôi ở lĩnh vực đó, tôi đều trân trọng, ngưỡng mộ và hướng mình đến suy nghĩ tích cực. Dù họ là ai, hoạt động ở lĩnh vực gì, họ đều có thể là "thần tượng" của tôi với một ý nghĩa bình dị nhất và tôi sẽ thần tượng tích cực như bạn, Xi - ta ạ.

11/4/10

Con đường trong tôi


Cuối tuần, về nhà vì công việc, gặp lại mình trong tình cảm yêu thương gia đình...
Con đường quê
Con đường quê trong tôi là khoảng không gian đong đầy kỷ niệm. Đó là con đê nhỏ nhắn dẫn từ làng tôi tới đường ra thị trấn. Người dân từ khắp các ngả vào làng tôi cũng bằng con đường này và người làng tôi ra thị trấn thì cũng vậy. Mỗi buổi sớm tinh mơ mùa đông, các bác, các cô trong làng đã thồ những xe rau quả nặng trĩu đi bán. Đó là những chuyến hàng chở đến những cái chợ xa. Để chuẩn bị, mọi người phải dậy từ lúc 3giờ sáng, sắp hàng vào hai bên sọt được chằng chắc chắn ở sau giá xe. Bên trên có khi còn chất thêm một hai bao nhỏ. Hàng họ xong xuôi họ gọi những người bạn hàng đi cùng. Đi xe đạp phải mất 2 tiếng mới tới chợ. Để cho nhanh đến nơi và để xua tan đi cái giá lạnh khi màn sương giá bao phủ, họ nói chuyện rôm rả với nhau về những phiên chợ trước đi, người mua hàng, rồi lứa gà đến ngày được đem đi bán. Hình ảnh những con đường gồ ghề khi xe lao vào ổ gà rồi lại lao lên hiện rõ qua giọng nói bị ngắt quãng không đều của họ.
Sáng ra những người dân trong làng bắt đầu kéo nhau ra đồng làm việc. Con trâu đi trước, cái cày theo sau, đôi quang gánh, những cuốc, xẻng liềm hái… là những công cụ không thể thiếu. Khi mặt trời lên cao tỏa những ánh nắng vàng chiếu xuống khắp cánh đồng thì cũng là lúc các bác nông dân với gánh lúa vàng õng, cái đòn võng kẽo kẹt trên vai chuyển lúa về nhà. Từng tốp người gánh lúa trên đê như vẽ ra bức tranh tràn trề sự sống của người dân quê tôi. Họ chăm chỉ cần cù như truyền thống từ ngàn đời nay vẫn vậy để làm ra những sản vật của nhà nông dâng hiến cho đời và cũng là nuôi sống bản thân gia đình họ.
Chiều về, những đứa trẻ trâu làng tôi thường mang diều ra thả. Ngọn tre cong cong vi vu theo gió. Những cánh diều vũng vi vút bay mãi lên cao như muốn đến tận cùng khoảng không gian bao la, sâu thẳm, gửi vào đó những ước mơ trong veo của những đứa trẻ làng. Tiếng sáo ngân nga khi xa lúc gần như hòa âm chính cho bản nhạc chiều quê tôi thêm rộn rã. Người ta đi cày, bừa, đắp bờ, vun gốc ngô, tát nước cho ruộng cạn, tưới tắm cho những thửa rau ngày càng xanh mướt. Chiều quê với tôi còn có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là những chiều tôi chạy trên đê, ra đón bố đi làm về. Bố bế bổng tôi lên dù cái ba lô còn nằm trên lưng, làm cho tôi thích thú cười ngặt nghẽo. Hai bố con tôi làm cho bức tranh đường làng thêm phong phú niềm vui. Bao giờ về bố cũng có quà cho tôi và cho mẹ. Khi thì những bộ quần áo mới cho tôi, chiếc cặp hoa cho mẹ, lúc lại là những thứ quà đặc sản các nơi mà bố đến làm. Bố hỏi tôi về những điểm mười trong vở và món quà của bố luôn làm tôi thích thú. Có lẽ điều mà đứa trẻ tôi lúc đó không muốn chính là khi phải tạm biệt bố để bố lại lên đường đi làm. Tôi theo mẹ ra tới tận cuối đê. Mẹ xách ba lô và túi quà cho các chú nơi bố công tác, còn tôi lại vắt vẻo trên lưng bố. Lần nào bố cũng dặn tôi ở nhà ngoan, nghe lời mẹ và học giỏi cùng với những cái hôn tạm biệt làm tôi ửng hồng đôi má. Tiễn bố đi làm, tôi nhớ có lần mẹ khóc nhưng không bao giờ mẹ để cho bố biết. Quay mặt về hướng làng nước mắt mẹ rơi. Tôi còn bé dù không hiểu nhiều chuyện nhưng thấy vậy tôi cũng khóc. Mẹ tôi một mình ở nhà, sớm tối nuôi con, cũng có khi chạnh lòng khi thấy gia đình người ta vui vầy hạnh phúc. Xong rồi mẹ lại gạt nước mắt, quay sang dỗ dành tôi: con ngoan, học giỏi khi nào bố về sẽ có quà.
Cứ vậy thời gian trôi đi, cùng với những lần đón bố về và tiễn bố đi làm là sự lớn lên trưởng thành của tôi. Tôi đã vào đại học như niềm mong ước của bố. Và lần nào trở về làng, đi bộ trên con đường đê lòng tôi cũng dạt dào những kỷ niệm, những cảm xúc một thời thơ bé vẫn mới tinh nguyên. Chiều quê tôi, cánh diều vẫn bay mãi vào không trung, hồ sen dưới cánh đồng vẫn tỏa hương ngào ngạt… và con đường trong tôi ngày càng gắn bó.

2/4/10

Quà tặng đến trái tim


Những bài hát mà những người thân thương trao tặng, mình đã nhớ giai điệu. Với bài nào bằng tiếng Anh thì search Google xem lời của nó thế nào và học thuộc. Mình đặt ra mục tiêu này và phải thực hiện cho được nhé! Thuộc lời tiếng Anh và biết cả ý nghĩa của nó thật là thú vị biết bao! Mình thêm nâng niu, trân trọng từng bài hát - món quà đó. Nếu được làm điều gì dù chỉ là nho nhỏ mà mang lại niềm vui, yêu đời cho một người, thì mình sẽ luôn sẵn lòng. Phương châm của mình là như vậy, hehe, cố lên!