11/4/10

Con đường trong tôi


Cuối tuần, về nhà vì công việc, gặp lại mình trong tình cảm yêu thương gia đình...
Con đường quê
Con đường quê trong tôi là khoảng không gian đong đầy kỷ niệm. Đó là con đê nhỏ nhắn dẫn từ làng tôi tới đường ra thị trấn. Người dân từ khắp các ngả vào làng tôi cũng bằng con đường này và người làng tôi ra thị trấn thì cũng vậy. Mỗi buổi sớm tinh mơ mùa đông, các bác, các cô trong làng đã thồ những xe rau quả nặng trĩu đi bán. Đó là những chuyến hàng chở đến những cái chợ xa. Để chuẩn bị, mọi người phải dậy từ lúc 3giờ sáng, sắp hàng vào hai bên sọt được chằng chắc chắn ở sau giá xe. Bên trên có khi còn chất thêm một hai bao nhỏ. Hàng họ xong xuôi họ gọi những người bạn hàng đi cùng. Đi xe đạp phải mất 2 tiếng mới tới chợ. Để cho nhanh đến nơi và để xua tan đi cái giá lạnh khi màn sương giá bao phủ, họ nói chuyện rôm rả với nhau về những phiên chợ trước đi, người mua hàng, rồi lứa gà đến ngày được đem đi bán. Hình ảnh những con đường gồ ghề khi xe lao vào ổ gà rồi lại lao lên hiện rõ qua giọng nói bị ngắt quãng không đều của họ.
Sáng ra những người dân trong làng bắt đầu kéo nhau ra đồng làm việc. Con trâu đi trước, cái cày theo sau, đôi quang gánh, những cuốc, xẻng liềm hái… là những công cụ không thể thiếu. Khi mặt trời lên cao tỏa những ánh nắng vàng chiếu xuống khắp cánh đồng thì cũng là lúc các bác nông dân với gánh lúa vàng õng, cái đòn võng kẽo kẹt trên vai chuyển lúa về nhà. Từng tốp người gánh lúa trên đê như vẽ ra bức tranh tràn trề sự sống của người dân quê tôi. Họ chăm chỉ cần cù như truyền thống từ ngàn đời nay vẫn vậy để làm ra những sản vật của nhà nông dâng hiến cho đời và cũng là nuôi sống bản thân gia đình họ.
Chiều về, những đứa trẻ trâu làng tôi thường mang diều ra thả. Ngọn tre cong cong vi vu theo gió. Những cánh diều vũng vi vút bay mãi lên cao như muốn đến tận cùng khoảng không gian bao la, sâu thẳm, gửi vào đó những ước mơ trong veo của những đứa trẻ làng. Tiếng sáo ngân nga khi xa lúc gần như hòa âm chính cho bản nhạc chiều quê tôi thêm rộn rã. Người ta đi cày, bừa, đắp bờ, vun gốc ngô, tát nước cho ruộng cạn, tưới tắm cho những thửa rau ngày càng xanh mướt. Chiều quê với tôi còn có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là những chiều tôi chạy trên đê, ra đón bố đi làm về. Bố bế bổng tôi lên dù cái ba lô còn nằm trên lưng, làm cho tôi thích thú cười ngặt nghẽo. Hai bố con tôi làm cho bức tranh đường làng thêm phong phú niềm vui. Bao giờ về bố cũng có quà cho tôi và cho mẹ. Khi thì những bộ quần áo mới cho tôi, chiếc cặp hoa cho mẹ, lúc lại là những thứ quà đặc sản các nơi mà bố đến làm. Bố hỏi tôi về những điểm mười trong vở và món quà của bố luôn làm tôi thích thú. Có lẽ điều mà đứa trẻ tôi lúc đó không muốn chính là khi phải tạm biệt bố để bố lại lên đường đi làm. Tôi theo mẹ ra tới tận cuối đê. Mẹ xách ba lô và túi quà cho các chú nơi bố công tác, còn tôi lại vắt vẻo trên lưng bố. Lần nào bố cũng dặn tôi ở nhà ngoan, nghe lời mẹ và học giỏi cùng với những cái hôn tạm biệt làm tôi ửng hồng đôi má. Tiễn bố đi làm, tôi nhớ có lần mẹ khóc nhưng không bao giờ mẹ để cho bố biết. Quay mặt về hướng làng nước mắt mẹ rơi. Tôi còn bé dù không hiểu nhiều chuyện nhưng thấy vậy tôi cũng khóc. Mẹ tôi một mình ở nhà, sớm tối nuôi con, cũng có khi chạnh lòng khi thấy gia đình người ta vui vầy hạnh phúc. Xong rồi mẹ lại gạt nước mắt, quay sang dỗ dành tôi: con ngoan, học giỏi khi nào bố về sẽ có quà.
Cứ vậy thời gian trôi đi, cùng với những lần đón bố về và tiễn bố đi làm là sự lớn lên trưởng thành của tôi. Tôi đã vào đại học như niềm mong ước của bố. Và lần nào trở về làng, đi bộ trên con đường đê lòng tôi cũng dạt dào những kỷ niệm, những cảm xúc một thời thơ bé vẫn mới tinh nguyên. Chiều quê tôi, cánh diều vẫn bay mãi vào không trung, hồ sen dưới cánh đồng vẫn tỏa hương ngào ngạt… và con đường trong tôi ngày càng gắn bó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét